Có rất nhiều bài viết chỉ ra rằng chúng ta nên nghỉ nhiều hơn, không nên làm việc tăng ca… Các lý do được đưa ra là năng suất lao động hay sự so sánh với các nước phát triền như Đức, Nhật… họ đã nghỉ rất nhiều nhưng nền kinh tế vẫn phát triển, thậm chí càng nghỉ thì kinh tế họ càng phát triển.
Và rồi, tương lai nào cho Việt Nam? Chúng ta có nên như họ hiện tại hay như họ trong quá khứ? Có nên nghỉ thật nhiều, làm thật ít như họ?
Thời xa xưa, khi áp dụng chế độ làm việc 12 giờ một ngày thì năng suất lao động cao nhưng sau một thời gian thì năng suất lao động giảm do người lao động không được tái tạo sức khỏe, thể lực để làm việc.
Sự cạnh tranh giữa vua thép Andrew Carnegie và đại tư bản dầu lửa John D. Rockefeller về vị trí người giàu nhất thế giới đã đẩy các công nhân của họ liên tục làm việc trong 12 giờ một ngày dẫn tới thời gian làm việc kéo dài, sinh ra nhiều mệt mỏi và dễ gây tai nạn trong các môi trường làm việc không an toàn.
Trong các nhà máy luyện thép, hay cơ khí, hay trong các nhà máy lọc dầu chỉ cần một sai sót, bất cẩn sẽ trả giá bằng cả mạng sống của chính mình. Do đó, rất nhiều trường hợp mất an toàn lao động, tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra. Cho nên hầu hết các chủ công ty thời kỳ này sẽ tận dụng tối đa sức lao động của lao động sau đó khi thời kỳ sức khỏe lao động đi xuống thì sẽ thay thế công nhân bằng một lứa khác.
Thời kỳ này lao động rất nhiều, và rẻ mạt khiến các ông chủ tha hồ tối đa lợi nhuận cùng với việc bỏ rơi công nhân khi sức khỏe họ đã đi xuống. Bước chuyển xẩy ra khi Henry Ford (người sáng lập tập đoàn xe hơi cá nhân đầu tiên) đã tạo ra phương pháp sản xuất dây chuyền làm tăng năng suất lao động tăng lên và rút gọn thời gian sản xuất. Công nhân của ông khi chưa có dây chuyền tự động mất 48 giờ cho việc lắp ráp một chiếc xe, nhưng khi áp dụng dây chuyền họ chỉ mất có 1,2 giờ cho một cái xe.
Năng suất lao động tăng cao làm doanh thu lên gấp 8 lần, Henry Ford đã quyết định tăng lương lên 2,5 lần cho công nhân. Vấn đề lúc này là Phó giám đốc của Henry Ford đề xuất cho công nhân làm ngày 8 giờ vì cho rằng công nhân kiếm được tiền cần phải có thời gian để tiêu xài, qua quá trình tiêu xài họ sẽ kích thích nền kinh tế, sản xuất phát triển, cùng với đó họ sẽ mua xe của hãng để đi từ đó sẽ mở rộng thị trường.
Henry Ford cho rằng đó là điều đúng đắn và công nhân cần phải tiêu xài nhiều hơn nên ông cho rằng nên nghỉ cả thứ 7 và chủ nhật để họ tiêu xài tối đa. Sau này rất nhiều sự việc xẩy ra trên thế giới để phong trào ngày làm 8 giờ và nghỉ thứ 7, chủ nhật được lan tỏa ra thế giới. Qua câu chuyện trên chúng ta đã biết được ý nghĩa của các ngày nghỉ.
Việt Nam ta có nên nghỉ nhiều? Trong những thế kỷ trước người phương Tây đã đạt tới trình độ kiểm soát và cho thuê tư liệu sản xuất ở trình độ cao nên đã nhanh chóng từ chối sản xuất vất vả và chuyển chúng cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong thời kỳ này phương Tây như ông chủ còn những nước sản xuất, gia công là làm thuê.
Sự thật những nước làm thuê này làm việc rất vất vả, thời gian họ làm việc gần như 12 giờ một ngày. Sau khi làm chủ được các công việc sản xuất và tự đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, tổ chức kiểm soát được quan hệ sản xuất thì những nước giàu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… từ chối việc nặng họ trở thành ông chủ một phần và tìm kiếm những khu vực làm thuê ở các nước đang và chậm phát triển như Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Phi…
Do đó, để quyết định nghỉ nhiều hay nghỉ ít chúng ta phải xem xét trình độ sản xuất của chúng ta đang ở đâu, vị trí của chúng ta đang làm thuê, hay làm chủ và đặc biệt túi tiền của chúng ta đang có là bao nhiều.
Đành rằng không thể cào bằng toàn bộ lao động trong nước ta, vì có nhiều người đang phải làm thuê sống qua ngày. Nếu áp dụng chế độ nghỉ nhiều ngày thì có phải những người dân làm thuê sẽ chẳng có tiền để tiêu xài, cũng không đóng góp gì cho sản xuất mà còn làm nền sản xuất đình trệ.
Vậy nên thay vì yêu cầu xã hội giống Đức, Nhật, Hàn, Trung Quốc hiện tại hãy trở nên giống họ trong quá khứ trước đã. Nếu không chúng ta chẳng bao giờ đuổi kịp họ.
HÃY CHIA SẺ QUAN ĐIỂN CỦA BẠN VỀ CHIA SẺ KHỞI NGHIỆP NÀY ?